HÓA GIẢI NHỮNG ‘BÀI THI TÌNH THƯƠNG’ BẰNG ‘HIỂU VÀ THƯƠNG’

Đăng bởi MayQ Share vào lúc 23/05/2023

Bạn thường hay thắc mắc, cường độ làm việc dày đặc kiểu mình, cái gì làm cho mình… không ngán? Là bởi vì, bạn biết không, mình thật sự yêu thích được nhúng mình vào trong những chuyến đi, những lớp học của nhà MayQ tụi mình. Vì mình biết rằng, sẽ không có chuyến đi nào giống chuyến đi nào, cũng không có lớp học nào giống lớp học nào. Mỗi chuyến đi, mỗi khóa học đều sẽ luôn có những trải nghiệm mới, mà ở đó, nếu biết quan sát, mình luôn học được rất nhiều. Như vậy, có thể khẳng định, hơn phân nửa những kiến thức hay sự hiểu biết của mình, cho đến thời điểm này, đi ra từ những sự học hỏi từ thực tế như vậy.

Lớp Quản trị cuộc sống với Nhân số học Cấp độ 2 Offline diễn ra trong ba ngày 12-14/5/2023 vừa qua là lớp cấp độ hai thứ 6 được học tại Lak Tented Camp bên cạnh hồ Lak mênh mông. Là một lớp học mà, hơn cả một trải nghiệm về một lớp học Offline bình thường, đó còn diễn ra một số điều… lạ lắm, mà nếu nó không thực sự diễn ra, có lẽ chính mình cũng khó tin được.

Trước khi bắt đầu vào lớp, như thường lệ, tụi mình thường hay sinh hoạt với các anh chị học viên tinh thần quan trọng của khóa học, rằng thường ở các lớp cấp độ hai hay xảy ra hiện tượng ‘chiêu cảm’ những người có cùng một dạng vấn đề, một bài thi… vào học cùng một lớp. Cho nên, chỉ cần chân thành lột tả vấn đề của mình không cần giấu diếm, chắc chắn trong lớp sẽ có những vấn đề tương tự, ở những người khác. Và chính nhờ đó, mà bài giải cho vấn đề của bạn mình hoàn toàn có thể trở thành hướng đi tham khảo cho chính mình. Chỉ cần để tâm quan sát, sẽ thấy thể hiện rõ.

ĐỀ THI TÌNH THƯƠNG GIỮA NHỮNG NGƯỜI SỐNG…

Có lẽ là ẩn mang con số 6, con số của tình thương và sự sáng tạo, nên rất sớm, lớp học lần 6 này đã lộ diện vấn đề chung từ hơn phân nửa thành viên trong lớp: những bài thi lớn về tình thương. Thật đáng kinh ngạc, khi có khá nhiều các bạn học viên lớp lần này đều đang chịu những tổn thương từ mối quan hệ với mẹ ruột mở rộng ra, đến cha mẹ ruột của mình. Để rồi, nhiều bạn khác, dù đã chọn bước vào lớp hai với những câu hỏi khác, thế nhưng sau một thời gian lắng nghe các bạn mình, đều phát hiện ra, những gì các bạn nghe từ bạn mình chia sẻ đều rất giống với hoàn cảnh ở nhà mình… Hiểu ra rằng, cha mẹ và con cái vốn là một mối quan hệ cật ruột, như thân với rễ, đoạn rễ thân cũng chết, nên cách duy nhất chúng ta nhìn nhận vấn đề này, chính là buộc lòng tìm cách Hiểu để Thương.

Bên cạnh những giá trị nền tảng mà Đức Phật đã dạy, mở rộng qua những lời giảng, lời dạy của các thầy, nhà MayQ tụi mình, với đặc trưng nương dựa vào các giá trị Nhân số học, sẽ cấp thêm cho mọi người những cơ sở để mỗi người có thể nương vào đó để cố gắng Hiểu người thân thiết ruột rà nhất của mình, là mẹ, là cha. Chẳng hạn, nhìn vào những con số chủ đạo người đó đang mang, xem người đó có phải thuộc nhóm con số chủ đạo hay có tính gia trưởng, thích áp đặt người khác không? Hoặc thuộc nhóm những con số chủ đạo dễ bị tuột năng lượng, để mỗi khi người tuột năng lượng, thì con cái cũng bị ảnh hưởng theo? Hoặc thuộc nhóm những người có những chỉ số tâm linh cao, mà cuộc đời éo le, cả đời chưa từng bén duyên tâm linh, thậm chí bị dị ứng hay bài xích, nên giờ đời sống cứ bị trồi trồi sụt sụt? Chưa kể, những dấu hiệu thể hiện phảng phất hay rõ nét qua mỗi con số có mặt hay vắng mặt trong biểu đồ ngày sinh, biểu đồ tổng hợp sau khi điền tên vào… cũng tiết lộ rõ nét về tính tình hoặc cực đoan, hoặc khó tính của người ấy. Chưa kể, bốn đỉnh cao quan trọng trong chặng trưởng thành của người ấy, ngẫm ra cũng sẽ nhìn được, người ấy có đã làm được những gì Vũ trụ dẫn dắt chưa? Những điều này, thông qua hàng ngàn học viên qua các cấp độ của nhà MayQ mấy năm qua, tụi mình nhìn thấy cũng rất nhiều… Vì thế, thật sự với Nhân số học, việc hiểu những vấn đề tại một con người như mẹ hay cha ta có thể được phán đoán để dò tìm ra nguyên nhân để bắc một nhịp cầu Hiểu họ, là hoàn toàn có thể được.

Vấn đề ở sự Hiểu không chỉ dừng ở đó, bởi, lẽ nào ta chỉ phải chỉ chấp nhận những người mẹ hay cha ‘ít dễ thương, nhiều tật xấu’ như nhiều người trong chúng ta đang có? Một bạn trong lớp thành thật cười, em đọc Kinh Địa Tạng, tới đoạn mô tả các loại nghiệp xấu gì sẽ tạo ra các loại quả xấu gì trong tương lai, em nhột nhạt hết cả người, vì trong số các nghiệp xấu đó, mẹ em… gần như có đủ. Em biết, chỉ khi nào đưa mẹ về biết nghe các bài giảng pháp của các thầy, để từ từ ngộ ra rồi tự mình biết tu chỉnh bản thân, rồi đọc tụng kinh kệ từ các thầy chỉ dạy, mọi việc mới sẽ dần ổn. “Nhưng mẹ em không có thời gian nghe pháp đâu ạ, mẹ chỉ dành thời giờ… để lướt mạng, coi thế thới nghệ sĩ thôi!” Thế là, vì thương mẹ, em tương kế tựu kế, mua về một chiếc máy nghe kinh, rồi lấy thẻ nạp lại toàn những bài pháp giảng của các vị thầy em tin là đủ soi sáng cho mẹ. Mẹ không chịu nghe lúc thức, em toàn đợi mẹ ngủ say rồi mở nhỏ nhỏ cạnh tai cho mẹ nghe trong tiềm thức. Vậy mà hiệu quả diệu kỳ! Chỉ vài tuần sau, từ một con người ‘không biết bao giờ mới chịu chuyển’, mẹ em đã chịu đọc Chú Đại Bi, đọc Kinh Địa Tạng, tính tình cũng dễ thương thêm ít nhiều, hai mẹ con đã hòa hợp với nhau hơn…

Cùng chọn cách Dùng Tình thương để hóa giải đó, có một em học viên khác. Nói về mặt vật chất, em không hề thiếu thốn gì, nhưng nỗi đau của em là, em từng là một đứa con gái không được chào đón, vì gia đình em thuộc hàng giàu có, trong nhà đã có đứa đầu tiên là con gái, đứa thứ hai nhất định phải là con trai. Vì thế, khi siêu âm ra là em, mẹ em từng băn khoăn giữa việc huỷ thai đi, hay giữ lại. Để rồi, như một duyên lành của định mệnh, em vẫn được giữ toàn mạng, và được sinh ra. Nhưng sinh ra trong một sự không thương yêu của gia đình, bởi dẫu sao, em vẫn là một ‘cú lệch’.

Rồi suốt một thời gian dài trưởng thành, em chứng kiến nhiều sự cãi vã thậm chí ẩu đả giữa ba mẹ. Em chịu sự so sánh giữa em - một đứa con gái ‘bình thường’, với một người chị gái muôn phần nổi trội. Những vết thương lòng ấy ẩn sâu như những vết cắt vào thân cây non nớt, để lớn lên, em thu mình lại, giả bộ ổn, nhưng bên trong, em không ổn… Đã bao năm, em không kết nối được với ai, kể cả mẹ, ba và người chị gái. em thui thủi, cô độc một mình.

Rồi nhân duyên đến khi em tham dự được một lớp Cấp độ 1 Nhân số học trên du thuyền Mekong Cruise cách đây hai năm. Chỉ sau một khoá ngắn ngủi, em biết vì sao giữa người và người vẫn còn tồn tại những chướng ngại. Dịch bệnh đã ngăn em không đi tiếp ngay đến những cấp độ cao hơn, vì thời gian ấy, em chuyển sang sinh sống tại Mỹ. Nhưng đây cũng là thời gian em làm một cuộc chuyển mình. Với những gì em lĩnh hội được từ các phương pháp quản trị năng lượng học được từ lớp cấp độ 1, em học cách hoà giải bản thân mình với người mẹ, chủ động ôm mẹ, kết nối với mẹ, dù thời gian đầu, mẹ em thấy em nhào lại ôm ôm còn kinh ngạc gỡ tay em ra, nói “con nhỏ này mày làm cái gì kỳ”... Nhưng bây giờ em cười, nói em khá ổn rồi, giờ chỉ học tiếp lên để nhìn cho ra, con đường sắp tới của em sẽ cần làm gì cho tối ưu hoá một mớ số 9 xuất hiện khắp nơi trong các loại biểu đồ của em thôi.

Những trường hợp ‘kỳ kỳ’ để trở thành ‘bình thường’ khác trong lớp thì nhiều lắm, kể chắc không xuể. Có một em lên, cười cười nói tánh em trước đây nóng lắm cô, chồng em mới nói có một hai câu, em đã… đấm chồng em đổ máu mắt (Cả lớp hú hồn ^^) Nhưng mà nhờ em học xong lớp 1 của nhà MayQ, em về em chỉnh mình từ từ hiền đi nhiều rồi, thành ra giờ hễ em nói em tiếp tục đi học với cô là chồng em… mừng lắm, kêu để ảnh giữ con cho, còn tài trợ cho em đi học tiếp nữa chứ!

'ĐỀ THI TÌNH THƯƠNG' GIỮA NGƯỜI SỐNG VÀ NGƯỜI ĐÃ KHUẤT…

Trước giờ, xuyên suốt các khoá học phân tích không phải là chưa có những trường hợp các học viên có những người thân trong nhà đã khuất. Tuy nhiên, chắc chỉ mới có lớp học 2 Lak 06 lần này, cái sự mất người thân từ những sự ra đi đột ngột, dân gian hay gọi là ‘bất đắc kỳ tử’, mới nhiều và dày đến như thế.

Một học viên kể, gia đình chị đông anh chị em, sau 1975, cả nhà lên vùng kinh tế mới ở Bình Phước. Ba chị làm nghề tài xế, hay chở theo mẹ chị để vừa bầu bạn vừa giúp ông chăm khách trên xe. Một ngày nọ, ba chị thắng gấp, mẹ chị không trụ kịp, bay xuống đập phải đầu lên một gờ đá cứng, tử nạn trên đường. Ba chị sau đó không lâu, có lẽ cũng buồn rầu, cũng bỏ anh chị em chị mà đi theo mẹ. Chỉ còn mấy anh chị em tự trông nom nuôi nhau khôn lớn, người anh cả thực sự trở thành một cây cao bóng cả, nuôi nấng các em, rồi dựng vợ gả chồng cho chúng nó. Để rồi, cuối cùng khi chị lập gia đình, anh trai - vốn không lập gia đình, đã cùng chung sống với vợ chồng chị. Một ngày nọ, anh đi tập thể dục sáng, mãi đến chiều chị đi làm về vẫn không thấy anh đâu. Lo lắng gọi điện thoại khắp các bệnh viện trong tỉnh để tìm, thì mới hay, anh là một trong những bệnh nhân ‘vô danh’ được đưa vào cấp cứu, và không qua khỏi sáng nay, khi bị xe tông phải ngoài đường lúc đi thể dục…

Một học viên khác kể, trong gia đình bạn cũng có khá nhiều những sự ra đi đột ngột, khiến có một thời gian, bạn hoang mang, không hiểu mình có làm sao không, khi phải chứng kiến quá nhiều sự đau lòng.

Rồi lại thêm một học viên khác, rồi học viên khác nữa. Nhiều bạn thừa nhận, bạn đã chọn lên tiếp cấp độ hai với một nỗi quan tâm lo lắng khác, chẳng hạn như về công việc hay về tương lai. Nhưng rồi không hiểu sao, khi nghe các bạn học viên trong lớp kể về những trường hợp của họ, tự nhiên bạn liên tưởng đến những gì đã xảy ra trong gia đình mình, mà ngỡ từ lâu rồi, nên các bạn đã để những nỗi niềm này xuống một phần ký ức và chỉ hôm nay, những ký ức đó mới sống dậy, và bạn hiểu rằng, đây có lẽ là thời điểm các bạn cần chuyển hoá những phần ký ức đó đi.

Trong lớp có một chị học viên đã luống tuổi. Chị quen biết chúng mình khi cùng đi với chúng mình chuyến đi sang Tứ Động Tâm Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoài. Chị là một người sống khá khép kín, bao nhiêu năm không động tâm với bất kỳ hình bóng nào. Vậy mà một lần khi sang nước ngoài công tác, chị gặp đúng một nửa của đời mình. Hai con người xa lạ đã cảm mến và yêu thương nhau tha thiết. Để rồi, mấy chục năm của cuộc hôn nhân, họ gắn bó với nhau như hình với bóng, hạnh phúc không rời với một cậu con trai gần 20 tuổi. Cuối năm ngoái, khi đang nấu ăn cho nhau trong bếp, anh đột ngột khuỵu xuống, và đi luôn, để lại cho chị và con trai nỗi đau không gì bù đắp được. Chị lơ ngơ lóng ngóng, không biết sống tiếp thế nào, cậu con trai cũng sốc nặng sau cuộc ra đi của người ba, hai mẹ con thật sự nan qua…

Ngày đó, chị ngồi cùng xe với mình trong một ngày, nên nghe được tâm sự này của chị. Mình cũng có nhìn qua biểu đồ ngày sinh của anh và chị, cũng có thể lý giải vài điều, nhưng lớn nhất, mình nói, là chị đang phải học bài học khó khăn của sự ‘Ái biệt ly khổ’, chính là một trong tám nỗi khổ to lớn của một đời người. Mình chỉ động viên chị bình tĩnh sống tiếp, và nói, lúc nào có đủ duyên, chị hãy tham gia một lớp học Quản trị cuộc sống với Nhân số học, chị sẽ có thể thấu hiểu nhiều hơn, và qua đó, sẽ có thể lái cái ‘bánh lái cuộc đời’ của bản thân và cả của cậu con trai, mà đi tiếp, một cách hiệu quả.

Lần này có mặt tại lớp cấp độ 2, câu chuyện của chị một lần nữa được lật giở ra, dưới cái nhìn phân tích về các đỉnh cao trong Nhân số học Pythagoras. Giờ đây, có lẽ đã có đủ thời gian để cảm thấu và nghiệm thấu, chị biết chị cần phải quay về tu tập, để dùng phần nội lực hẳn sẽ còn mạnh mẽ lắm của chị để tiếp tục đi tiếp, thay cho cả phần ông xã đã bỏ lỡ chưa kịp thực hiện, và qua đó, sẽ đủ duyên mà dẫn lối đưa đường cho cậu con trai đi đúng con đường mà nó cần đi…

Câu chuyện của chị vừa xong thì cũng tới phiên cô bạn ngẫu nhiên ngồi cạnh chị mấy ngày qua. Và, câu chuyện đẹp như thơ của em gái này nửa phần đầu đã khiến ai nấy đều xuýt xoa vui lây với hạnh phúc của em. Em nói, chồng em cũng là người nước ngoài, mấy năm dịch bệnh, anh ấy kẹt lại ở VN, nên lấy luôn thời gian ấy tranh thủ chăm sóc cậu con trai duy nhất của hai vợ chồng, em ấy năm nay lên 8 tuổi, thông minh và hiểu chuyện vô cùng. Anh chồng ở nhà chăm con và đưa đón con đi học, cô vợ làm chủ một chuỗi nhà hàng bán đồ ăn mặn. Nhà hàng của cô rất đắt khách, nhưng có một vị cao nhân nào đó, khi nhìn vào gương mặt cô từng bảo rằng, cô từng có căn cơ tu tập, nay chọn ngành nhà hàng mặn là không nên đâu, vì bán nhà hàng mặn là một trong những nơi tạo nghiệp sát mạnh nhất. Cô cũng thấy áy náy, vì mỗi ngày vào trông coi các nhà hàng, cô đều phải nhìn thấy nhiều con gà, con cá và rất nhiều tôm bị làm thịt tươi sống để phục vụ thực khách. Để bù đắp lại, cô phát nguyện, hàng tháng vào giữa và cuối tháng âm lịch, ngay trong nhà hàng cô vẫn nấu thêm nồi bánh canh chay để phát chẩn miễn phí cho người nghèo ngay trước nhà hàng…

Ngỡ đâu việc này cũng có thể ít nhiều ‘bù qua xớt lại’ được cho công việc gây nhiều nghiệp sát của cô. Cô cũng đã đăng ký tham gia một khóa học Cấp độ 1 Nhân số học ở du thuyền Mekong Cruise cùng tụi mình để mong hiểu thêm về hướng đi cho bản thân trong tương lai.. Nào ngờ, ngay đêm trước ngày cô sẽ về du thuyền Mekong dự lớp học, tụi mình nhận được cuộc gọi của cô, nức nở thông báo, chồng cô đã mất đột ngột trong lúc tắm đêm, giờ đây cô phải ở lại lo việc hậu sự cho chồng, không đi học được nữa!

Tới đây thì tụi mình nhớ ra cô học viên đặc biệt này rồi. Ngày diễn ra lớp Cấp độ 1 ở Mekong Cruise lần đó, khi nghe chị Diễm Hương báo lại tình hình cô học viên này, chính tụi mình cũng bất ngờ cùng bùi ngùi chua xót. Cũng không ngờ, sau biến cố đó, cô vẫn cố gắng dự bù lại khoá lớp 1 online như tụi mình đã uyển chuyển giải quyết cho cô, để rồi hôm ấy, cô có mặt tại lớp 2 ở Lak. Cái cách cô không ngưng được khi kể về những câu chuyện với chồng ngay cả sau khi chồng cô đã ra đi khiến trong lòng mình dâng lên một dự cảm: cô vẫn còn quá quyến luyến người chồng đã khuất, và có thể, chính tâm quyến luyến này đang gây ra một cảnh ‘đi không đành’ nơi người đã khuất!

Bản thân mình đã vừa mới kinh qua trải nghiệm sinh tử với người thân là cha mình đầu năm nay, có thể nói, ở thời điểm này mình cảm đến tận cùng từng ý nghĩ, từng cảm xúc của những người ở lại. Nhưng mình nhớ rõ, cả vị sư cô chị họ mình, người đã thay mấy chị em mình lo trong lo ngoài những ngày tang sự cho cha, lẫn Thầy Pháp Hòa, vị thầy tinh thần từ xa, dẫn dắt chúng mình đến những sự ngộ lớn hơn trong sự sinh tử của người thân, cả hai vị đều nhấn mạnh ở việc: không tỏ ra quyến luyến người đã mất, không xin, không cầu người đã khuất phải ‘phù hộ, giúp đỡ’ chúng ta điều gì, chỉ một lòng cầu nguyện cho người ấy sớm được vãn sanh. Vì thế, với những gì đang diễn ra trong không khí lớp vào buổi chiều ấy, tự nhiên một khoảnh khắc, mình ngộ ra một điều: tại đây rất cần một sự thấu hiểu lẽ vô thường, tâm không tham đắm vào những kỷ niệm cũ nữa, lòng không còn bám chấp vào sự gắn bó thương thiết cũ giờ đã không còn. Thế là, thật bất đắc dĩ, mình trở nên một người truyền lại thông điệp này từ các thầy, các cô mà mình đã lĩnh ngộ được, lại cho các bạn học viên có cùng hoàn cảnh mất người thân đột ngột trong lớp. Và có lẽ, không phải chỉ những người đang sống, mà những người thân đã khuất đột ngột của các bạn ấy, thời khắc ấy có lẽ cũng đang ở đó, và lắng nghe… Bởi mình hiểu, khi đã không còn giữ tấm thân tứ đại, họ di chuyển linh hoạt, chỉ cần một nơi nào có nhắc đến họ, là họ đã có thể ‘có mặt’ tại đó rồi.

Mình nói với các vị ấy, mình thật hy vọng, một ngày nào đó các vị đủ duyên được ‘gặp gỡ’ một vị thầy mà trong mắt mình, thầy thật có duyên độ ‘chúng vô hình’, là những người đã khuất, chính là Thầy Pháp Hòa. Mình đã từng được chứng kiến Thầy chỉ lặng lẽ ‘trò chuyện tâm thức’ với người cha một bạn thành viên đi cùng chúng mình trong chuyến An Canada hồi đầu năm nay, trong lúc chúng mình thành tâm trì Chú Vãng Sanh cho bác ấy. Buổi học tại Lak chiều hôm ấy, người bạn có ba về ‘viếng thăm’ ngày nào ở Canada, thật cũng tình cờ là một học viên của lớp này luôn! Thế là học theo những gì Thầy Pháp Hòa dạy, giờ phút ấy, tụi mình cố gắng dùng khả năng giới hạn của chúng mình mà thưa với các vị người thân đã khuất của các bạn học viên trong lớp ấy, để các vị ấy buông chấp và buông quyết luyến người nhà, để có thể được vãn sanh. Và ngay tại đó, cả lớp đã dùng tấm lòng thành, xin trì gửi chư vị ấy 21 biến Chú Vãn Sanh, cùng 108 niệm thánh hiệu A Di Đà Phật. Không biết các bạn có cảm nhận được một điều gì đó… lạ lùng qua lời kể lại của tụi mình hôm nay không, chứ thực sự, không khí của lớp hôm ấy… rất lạ lùng! Nó vừa có một cái gì đó rất thiêng liêng, cũng vừa rất xúc động, khi ai nấy hiểu rằng, vô hình chung, chúng mình đang chung lòng làm một việc thật thiện nghĩa…, cho những người đã khuất!

Không biết có phải chỉ là sự trùng hợp hay không, vừa mới trì đến biến thứ ba Chú Vãn Sanh, gió mạnh ùn ùn thổi về, cây cối xào xạc dữ dội. Mọi người vẫn nhiếp tâm trì niệm càng chuyên chú hơn nữa. Gió giật tầm nửa giờ thì mưa đổ xuống rất to. Nhưng cơn mưa to trút hết cả nước xuống rồi, thì trả lại bầu trời quang đãng tịnh lặng, như thể lòng người đã vừa trút đi một nỗi gì đó, rất nặng nề!

Xong thời trì niệm, mình ngạc nhiên khi nhìn thấy, không phải chỉ có những học viên ‘có người trong cuộc’ là xúc động mạnh, mà cả rất nhiều bạn khác, mắt cũng ngân ngấn nước. Thì ra, thời cầu nguyện vãn sanh ban nãy không chỉ dành cho những nhân vật được ‘nghe kể, đặt tên’ trong những chia sẻ của các bạn học viên đã lên trước lớp. Trong lớp còn có thêm nhiều bạn khác nữa, nhân thời cầu nguyện ‘đột xuất’ ấy, đã tự nhiên nhớ luôn đến những trường hợp xảy ra ngay trong gia đình mình. Một em mắt đỏ hoe, nói ban nãy con cũng đã kịp cầu nguyện cho người dì út của con, cách đây vài năm đã t.ự v.ẫ.n, để lại cho mẹ con một cục nợ lớn, nên trước giờ con không khỏi giữ tâm oán dì ấy. Ban nãy con cũng đã nói lời tha thứ cho dì, và nguyện cho dì sớm được vãn sanh rồi… Một em khác nữa nói, con đã xin lỗi và nguyện cầu vãn sanh cho hai đứa nhỏ trong bụng mà con đã trót bỏ thai trong thời trẻ người non dạ… Một em khác nữa nguyện cầu cho đứa con nhỏ mới sinh ra đã bệnh nặng không qua khỏi, để lại trong em sự day dứt vì cảm giác em không tận lực đến cùng duy trì sự sống cho con… Một em nữa nói, tự nhiên ban nãy, em muốn hồi hướng cho một em nhỏ trong team của em, em cảm thấy nó có một cái gì đó cần ẩn khuất chưa giải quyết được…

Chao ơi, tới tận thời điểm đó, mình mới đủ tĩnh tâm xâu chuỗi lại mọi việc. Thì mới hiểu, hèn chi vì sao lớp này là lớp đặc biệt nhất từ trước đến giờ, khi đưa ra bình chọn lựa chọn ăn chay hay ăn mặn trong các bữa ăn, có đến 46/51 học viên chọn ăn chay! Nhiều bạn khi đến nơi, được hỏi “Vì sao các bạn chọn ăn chay?” thì các bạn hồn nhiên nói, “Cũng không biết nữa, tự nhiên lần này nhìn vô cột chọn, thấy nhiều người chọn ăn chay quá, tự nhiên thấy thích, muốn chọn theo!” Thật lạ lùng nữa, là trong số 5 học viên chọn ăn mặn, tự nhiên người trước người sau, có đến ba bạn lần lượt gặp chướng duyên cản trở không đi dự lớp học được, chỉ còn lại 2 người. Mà 2 người này, đến Lak sớm trước một ngày, lại gặp cùng một cô bạn học ăn chay, thế là không nỡ để cô ấy ăn một mình, cả ba cô cùng ngả chay rồi.

Như vậy bạn nhận ra điều gì chưa? Cùng với 5 thành viên team MayQ chúng mình theo phục vụ cũng ăn chay nữa, cả lớp 2 Lak 06 lần này, 100% thành viên đã ăn chay trọn vẹn trong suốt ba ngày qua của lớp học! Để rồi, có lẽ cũng chẳng phải vô tình đâu, khi duyên đã chín và cả lớp vô tình phát nguyện trì Chú Vãn Sanh cùng Niệm Phật cầu nguyện cho các người thân đã khuất của các bạn học viên trong lớp, đó thực sự đã trở thành một dạng ‘Đàn tràng cầu siêu’ đầy thanh tịnh, với 100% thành viên là những người ăn chay, và như vậy, một khi đã cho mọi cái được tuần tự diễn ra như thế, Ơn Trên đã có những sự ‘chọn lựa’ và sắp xếp, an bài mọi cái đâu vào đấy như thế cả rồi!

Nghiệm ra được đến đó, mình có một loại xúc động muốn khóc… Hơn ba tháng nay, mình đã ăn chay trong hành trình phát nguyện một năm ăn chay hồi hướng cho người cha vừa ra đi đầu năm nay. Bản thân mình cũng từng là đứa khó ăn chay dài hạn, phải đến khi có một động lực đủ mạnh mẽ và ý nghĩa như ăn chay cho Cha, mình mới yên ổn tư tưởng, để ăn chay một cách ổn định trong suốt một năm này. Thương một cái, là cả team MayQ cũng cùng ăn chay với mình trong mọi chuyến đi, nên chúng mình hầu như không bao giờ có cảm giác bị lẻ loi. Ăn chay mà có hội có thuyền, vui và thích lắm. Lần này ngẫu nhiên lại được 100% các bạn học viên chọn ăn chay suốt khoá học nữa, thật sự tụi mình quá vui. Để khi diễn ra cái ‘Đàn tràng cầu siêu’ đầy thân thương đó, cá nhân mình cảm thấy như được một sự cổ vũ, động viên và ủng hộ từ Ơn Trên một cách mạnh mẽ!

Những ngày qua, rải rác trên mạng xã hội có những ý kiến trái chiều xoay quanh việc có nhất thiết phải ăn chay dài lâu mới đúng gọi là ‘tu tập’ không. Mình không tham gia ý kiến, bởi mình hiểu mỗi bên đều có những lý lẽ riêng của họ. Mình ăn chay trong một năm này bởi mình cảm nhận tình thương của mình với Cha đủ lớn để mình làm được lâu dài, và hơn thế nữa, Thầy của Thầy tụi mình, Hòa thượng Tuyên Hoá, luôn nhắc nhở đã là học trò Thầy, nghe lời Thầy dạy, nhất định cần dần chuyển ăn chay để ngưng nghiệp sát sanh và triệt để phát triển lòng từ bi với muôn loài một cách thấu đáo nhất. Thì giờ đây, với một việc hữu duyên diễn ra mà tất cả chúng mình đều không hề ý thức được hết tầm ý nghĩa lớn lao của việc ‘cả lớp cùng chay’, cho đến khi mọi việc đã diễn ra và diễn ra trọn vẹn, mình đã hiểu thêm, rằng Ơn Trên cho chúng mình thấy, có một số việc, khi ta ăn chay, ta sẽ mang được một trường năng lượng đủ thanh tịnh để làm được một số việc mà, khi ta đang ‘ăn mặn bình thường’, ta sẽ không đủ sức để làm. Với mình, như vậy đã là một sự khẳng định quá lớn lao!

Lớp học đặc biệt 2 Lak 06 còn mở ra mênh mông những vấn đề mà, ba năm sau ngày chính thức dấn chân vào con đường nghiên cứu và tìm hiểu Nhân số học, chúng mình càng ngày càng ngẫm ngộ ra nhiều thêm được. Những vấn đề này đã không dừng lại chỉ ở việc ‘biết Nhân số học’, nó đã trở thành những sự ngộ sâu sắc, đủ để mỗi con người đủ duyên cảm và ngộ đầy đặn về những gì những con số trong ngày sinh của bạn âm thầm tiết lộ, và từ đó, không ngừng trong hành trình tu sửa bản thân, mỗi ngày hướng mình đi về hướng con đường sáng hơn, kiên định hơn. Như thế, mình khẳng định, trong các phương tiện thiện xảo giúp con người ta quay vào bên trong để hoàn thiện bản thân, Nhân số học xứng đáng góp một phần ý nghĩa.

Thương lắm!
(20.5.2023 - QH & MayQ Team)

#Sống
#NhanSoHoc #MayQ #MayQShare

Tags : lớp nhân số học, MC Quỳnh Hương, ngẫm và ngộ của quỳnh, nhân số học, thay đổi cuộc sống với nhân số học
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

close nav