Thương và được thương, có lẽ là một trong những điều mà con người ta quan tâm và khao khát có được khi đến đời này. Nhưng có lẽ, cũng chính tình thương, lại là thứ khiến con người ta đôi khi dành cả một đời để đau đáu suy nghĩ, là thứ khiến con người ta đau, người ta tổn thương và dành một đời để đi chữa lành. Được yêu thương ai mà chẳng thích. Đó là hơi ấm vô giá, mà chúng ta ai cũng cần có trong đời. Nhưng cuộc sống nào có như ta mong, mà len lỏi trong hành trình sống, đâu đó vẫn luôn xuất hiện những ‘đề thi’ về tình thương thông qua những cách khác nhau: có người là ‘bài thi’ với cha mẹ mình, người khác trong ‘bài thi’ với đồng nghiệp, và cũng có bạn phải thi những ‘bài thi’ trong mối quan hệ tình cảm đôi lứa,... Mỗi người sẽ có những ‘bài thi’ và ‘cách thi’ khác nhau, nhưng tựu chung lại, khi đã ‘vướng’ vào những ‘bài thi’ về tình thương, tin chắc rằng, mỗi người đều sẽ mất khá nhiều thời gian và năng lượng để thi và cần rất nhiều năm tháng để chữa lành.
Buổi chia sẻ gần nhất ở lớp cấp độ hai Online về Quản trị cuộc sống với Nhân số học của chúng mình trong tuần này có hai câu chuyện, mà khi lớp kết thúc, mình nghĩ mình nên gõ ra những dòng này để chia sẻ cho những bạn hữu duyên khác trên trang cùng tham khảo, vì đây có lẽ là những ‘đề thi’ về tình thương khá đặc trưng và rất nhiều người cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.
Câu chuyện đầu tiên là từ một bạn nam thuộc thế hệ cuối 9X, em sinh trong một gia đình ba mẹ đến với nhau từ hai cuộc hôn nhân đổ vỡ từ trước, với những người con riêng. Từ khi sinh ra, em lớn lên trong tình thương và sự chăm sóc của bà ngoại, bởi ba mẹ đều lo bận kiếm tiền, nên em không nhận được nhiều tình thương từ ba mẹ. Cho đến khi em vào lớp Một, có những chuyện xảy ra giữa người lớn với nhau, gia đình em ngắt kết nối với ngoại, em về sống với bố mẹ và cũng từ đó, em có cơ hội được ở gần bố mẹ nhiều hơn. Nhưng sự ‘ở gần’ ở đây, hóa ra không phải là gần để được yêu thương, mà khoảng cách thu hẹp lại để em nhìn rõ hơn mọi sinh hoạt, cách sống, sự cư xử của ba mẹ mình. Em chia sẻ: “Bố sau giờ làm, thường sẽ tụ tập đi nhậu với bạn bè. Bố đối đãi tốt với người ngoài nhưng với mẹ thì rất khác. Bố còn là một người không chung thủy, nên dần dần, em có cảm giác là h.ận bố”.
Lớn lên với hình ảnh một người bố như vậy, em quyết tâm: “Sau này, em luôn tự dặn mình không được trở thành một người đàn ông giống bố, mà phải biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc đến những người phụ nữ quanh mình”. Luôn giữ trong mình một sự thôi thúc và quyết tâm trong hình mẫu muốn trở thành như vậy, nên khi gặp và quen ai, em cũng luôn đặt trọn vẹn tình thương của mình vào người đó. Tuy nhiên, dạo gần đây, chính em lại rơi vào một chuyện tương tự như bố với chính người bạn gái của mình. Em chia sẻ: “Khi quen bạn gái và sống chung với bạn (em đang sống ở nước ngoài), trong một khoảnh khắc em nhắn tin với người khác, lúc đó giật mình, thấy làm như vậy là đang giống bố mình rồi, thấy có lỗi quá, em xóa tin rồi nhưng bạn em biết, bạn nổi giận và chia tay em”. Sau đó, hai bạn có cho nhau cơ hội quay lại trong vòng ba tháng, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, bạn gái em vẫn quyết định dừng lại, vì bởi niềm tin đã không còn đủ lớn.
Đến đây, tự nhiên tụi mình lại nhớ đến câu nói: “Người tổn thương, lại là người đi làm tổn thương người khác”. Mình nói với em, khi lòng em vẫn còn giận bố, nghĩa là vết thương lòng, ‘đứa bé bên trong’ của em chưa được chữa lành. Có một sự thật rằng, điều gì khiến ta căm ghét nhất ở bố mẹ mình khi ta còn thơ ấu, nhiều khả năng lớn lên, ta lại vô thức lặp lại chính những điều ngày xưa ta từng căm ghét đó, ở bố mẹ mình, như một vòng lặp lại đáng buồn. Bởi vì khi ta cứ nghĩ về chuyện đó, nghĩa là ta cũng đang hút những năng lượng ấy vào mình, để rồi một thời điểm nào đó, ‘bài thi’ ấy sẽ lặp lại trên chính cuộc sống của ta. Vậy thì, trong trường hợp này, điều đầu tiên mà em cần phải làm, là phải nói chuyện một cách nghiêm túc, và chữa lành đứa bé bên trong của mình. Điều này, ở lớp cấp độ 3, tụi mình đã dành hẳn một chuyên đề để những ai đang còn những vấn đề tồn đọng, những nỗi đau tận sâu kín bên trong, có cơ hội được chữa lành một cách triệt để và rốt ráo. Có như vậy, khi lòng mình thật sự buông, thì khi đó, tâm mình mới thật sự an, và mình sẽ hạn chế hết mức có thể, việc làm tổn thương người khác trên chính vết thương của mình.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện của một bạn gái giữa 9X, em đến lớp học với thắc mắc rằng tại sao các mối quan hệ xung quanh đều có vấn đề, đặc biệt gần đây em đã hủy hôn với người bạn trai ba năm (là mối tình thứ hai) vì bạn ấy đã ngoại tình rất nhiều lần, trong khi chỉ còn một tháng nữa là đám cưới sẽ diễn ra. Mối tình đầu tiên của em cũng kết thúc với lý do như vậy. Em muốn tìm hiểu sâu thêm nguyên nhân, những bài học mình cần học và cần hoàn thành trong cuộc sống này là gì? Những điều bản thân mình còn thiếu sót, cần tu sửa để các mối quan hệ xung quanh trở nên chất lượng hơn?
Kể ra thì nghe ngắn gọn và đơn giản như thế, nhưng người trong cuộc mới hiểu sâu sắc nỗi đau của việc đưa ra quyết định hủy hôn khi chỉ còn một tháng nữa là đám cưới. Người mình cứ ngỡ sẽ gắn bó cả cuộc đời, cùng mình bước sang một chương mới trong cuộc sống, lại vụt mất khỏi tầm tay bởi lý do được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Bạn nữ ấy chia sẻ: “Khoảng thời gian đó, em chỉ biết nằm bẹp trên giường, ủ rũ khóc lóc. Cảm giác như chẳng còn điều gì để làm động lực sống. Nhưng may quá, nhờ nghĩ đến bố mẹ, dần dần em tự vực dậy, bắt đầu nghe pháp, và tìm đến Nhân số học”.
Hai câu chuyện mình kể trên với hai ‘bài thi’ về tình thương khác nhau, nhưng có một điểm chung rất lớn giữa hai bạn, là các biến cố xảy ra giống như một ‘cú hích’ để các bạn quay vào bên trong và tìm đến Nhân số học để hiểu bản thân mình hơn. Cả hai bạn đều có đỉnh cao đầu mang tính chất số 5, đỉnh cao này nếu đi đúng quỹ đạo phát triển, thì đến giai đoạn này, người ta sẽ bắt đầu có sự phát triển tâm linh và thấu hiểu cuộc sống sâu sắc hơn, dọn đường cho một tầng nhận thức tâm linh cao hơn. Tuy nhiên trước đó, cả hai bạn đều không hề biết được ý nghĩa của đỉnh cao mang tính chất số 5 này, nên đã sống một cách bản năng, tận tình tận hưởng cuộc sống, dấn vào những mối quan hệ yêu đương,... Vì vậy, phải có những ‘cú hích’ mạnh mẽ như thế, mới đủ sức để làm các bạn có mặt trong lớp Nhân số học như thế này, và ‘quay về’ đúng với con đường mà bạn nên đi khi đến cuộc đời này.
Như tụi mình đã nói rất nhiều lần trong những bài viết trước đây, những ai đang gặp phải ‘bài thi’ về tình thương, rất nhiều khả năng là trong ngày, tháng, năm sinh, Con số chủ đạo, Bốn đỉnh cao của họ theo Nhân số học Pythagoras, đâu đó sẽ xuất hiện những con số 6. Hoặc trong Biểu đồ sau khi đã điền đủ họ tên của họ, lại dư quá nhiều số 6 hoặc hoàn toàn không có số 6. Như vậy, ‘điểm mù’ của những người này chính là những vấn đề về tình thương. Và khi nhận ra đó là ‘đề thi’ của mình, bạn cần phải thay đổi mình, theo những phương pháp mà chúng mình liệt kê cho bạn tham khảo sau đây:
_Đầu tiên là các bài tập về Lòng Biết ơn, thực hành phép Ho’Oponopono, Gửi Niệm lành mà tụi mình đã giới thiệu cho bạn ở trong lớp cấp độ 1. Thay vì tức giận những điểm chưa hoàn hảo của người ta thì hãy tập thương những điều chưa hoàn hảo của người ấy, tập cách viết ra những điều tích cực ở họ, quán chiếu gương mặt tươi cười của họ trong đầu lúc bạn đọc những câu trong phép thanh tẩy Ho’Oponopono và gửi những Niệm lành tốt đẹp nhất đến họ và mối quan hệ của cả hai. Bạn phải thực hiện chăm chỉ và hết lòng, ít nhất trong 3 tháng 10 ngày, bạn sẽ thấy những xoay chuyển tích cực trong mối quan hệ đó, nhen.
_Với những ‘bài thi’ về mối quan hệ khó hơn, đặc biệt là những sợi dây mỏng trong hôn nhân, về những mối quan hệ với ba mẹ, những người vô tình hay cố ý làm tổn thương đứa bé bên trong bạn. Lúc này đây, mình khuyên bạn nên thực hành phép Sám hối, mà nếu bạn đạo Phật thì có thể đọc bản Sám hối Hồng danh Pháp Hoa, bản Lương Hoàng Sám nha. Những điều này, chính người thân trong gia đình mình và cả những khách hàng thương của tụi mình đã thực hành và mối quan hệ của họ có những cải thiện rõ rệt. Có những mối quan hệ, có những vết thương lòng không phải ngày một ngày hai là hàn gắn, được chữa lành. Nhưng nếu bạn không phát lên ý niệm muốn thay đổi mà chấp niệm trong những oán thù, thì mọi thứ cũng sẽ dậm chân tại chỗ vậy thôi. Bạn cố gắng thay đổi mình mỗi ngày một ít, rồi bạn sẽ nhận ra, gương mặt của bạn mỗi ngày một sáng hơn, uy lực của bạn cũng sẽ khác. Thì lúc đó, những điều bạn nói ra, sẽ có một lực nhất định và bạn từ từ xoay chuyển các mối quan hệ quanh mình, nhen!
Đặc biệt, cụ thể với hai bạn trong hai câu chuyện mình kể trên, khi đang vướng vào một mối quan hệ nhưng chưa đến nỗi bị ràng buộc bởi tờ giấy kết hôn, thì bạn phải thật lòng sám hối với người ta. Vì bởi mình đâu biết được, trong nhiều đời kiếp trước, mình đã gây nên những ‘nhân’ gì, để đời này, người ta tìm đến để đòi ‘quả’. Khi bạn đã tận lực sám hối bằng đủ mọi phương pháp mình đã liệt kê ở trên rồi, nếu tình thương trong hai bạn vẫn còn, thì mối quan hệ sẽ được gắn lại một cách tự nhiên. Còn nếu như các bạn đã hết duyên hết nợ với nhau, thì tự khắc, người đang gây ra cho bạn đau khổ, cũng sẽ rời cuộc đời của bạn một cách nhẹ nhàng, không để lại cho bạn những nỗi đau khi nghĩ về vết thương đó nữa.
Em gái ấy hỏi mình, làm sao để biết mình và người ta còn khả năng có duyên tốt với nhau hay không để biết mà còn cầu nguyện được nối lại duyên hay nên thả buông đi mãi mãi luôn. Mình nói, sau một thời gian sám hối chân thành đủ lâu, em hãy thử làm một lần lắng nghe trực giác mình. Thả mình vào một thời thiền tĩnh tâm hoàn toàn không suy nghĩ gì cả, em hướng ý của mình về người ấy. Nếu ngay lập tức lúc ấy, trong em lóe lên cảm giác đau khổ, sợ hãi đầu tiên, thì em tuyệt nhiên không bao giờ nên quay trở lại với mối quan hệ đó nữa. ‘Nợ cũ’ đòi đã đủ rồi và em đã sám hối đủ rồi, giờ là lúc triệt để buông tay đi thôi. Còn, trong trường hợp, sau thời thiền vừa hướng ý đến người ấy, con người em tràn ngập cảm giác yêu thương trước, thì trực giác cho em thấy em và người ấy còn duyên lành với nhau, có thể quay lại, và làm lại từ đầu. Và trong trường hợp này, em yên tâm rằng người ta chỉ ‘bị giao’ đóng vai trăng hoa để làm đề thi cho em thức tỉnh, nếu em đã sám hối đủ, tu tập đủ, sống đủ nhẹ nhàng yêu thương, và nhớ duy trì việc tu tập sửa mình hàng ngày, nhiều khả năng người đó sẽ không còn tái diễn những cảnh làm em từng đau đớn nữa.
Trong không ít trường hợp thực tế, những bạn nào trong các yếu tố như ngày tháng năm sinh, con số chủ đạo hay các đỉnh cao quan trọng của cuộc đời… theo Nhân số học Pythagoras mà có những con số mang đậm tính chất về tâm linh như 2, 5, 7, 9, 10, 11, 20, 21, 22,... thì bạn nên tìm cho mình một cánh cổng tâm linh thiện lành nào phù hợp để quay về và tu tập miên mật, càng sớm càng có lợi cho bạn. Thông qua mỗi thời huân tu của mình, bạn nhớ hồi hướng công đức cho các oan gia trái chủ các mối quan hệ của mình. Nếu bạn nào thật sự mong muốn một người đồng hành, thì hãy nguyện mong Ơn Trên xin hãy cho con đủ duyên gặp được một người bạn đạo, người mà yêu thương con, con yêu thương và chúng con cùng tinh tấn trên đường đời, đường đạo. Làm được như vậy, bạn sẽ hạn chế tối đa việc bạn bị tổn thương vì các mối quan hệ.
Và thêm nữa, nhớ đừng đem gom hết bao nhiêu năng lượng yêu thương vào dốc cho một người, người đó sẽ mang bài thi tình thương đến khảo bạn thôi. Thay vào đó, luôn ý thức chan trải tình thương của mình ra cho cộng đồng lớn nhỏ xung quanh mình, bạn sẽ càng ngày càng sáng trưng, và lúc đó, người mà bạn từng đau khổ vì không được người ta thương lại tương ứng, sẽ quay lại mà yêu thương bạn hết lòng. Bí mật này không có gì là bí mật đâu, hihi, bạn thử áp dụng mà xem, linh nghiệm lắm!
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của chúng mình, sẽ là bài tham khảo chung cho tất cả những ai đang gặp vấn đề chung về tình thương.
Gửi niệm lành cho tất cả chúng ta đều bình an đi qua những ‘bài thi’ của mình.
Chúc cho chúng ta đều sẽ an vui trong những tình thương ấm áp và trọn vẹn!
Gửi niệm lành cho tất cả,
(9.11.2023, QH & MayQ Team)
#Nhân_số_học #Sống
#Nhânsốhọc #Nhansohoc #ThaydoicuocsongvoiNhansohoc #Numerology #NumerologyVietNam #ABetterLifewithNumerology #QuỳnhHươngLêĐỗ #QHLD #MayQShare