“HIẾU KÍNH VỚI CHA MẸ LÀ PHƯỚC ĐỨC LỚN NHẤT…”

Đăng bởi MayQ Share vào lúc 30/08/2023

Trong những khổ kinh giản dị của bản Kinh Đại Hạnh Phúc, hay còn gọi là Kinh Phước Đức (Maha Mangala Sutta) chuyển tải lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy, một trong những điều được liệt kê ra đầu tiên, chính là “Được cung phụng mẹ cha - Yêu thương gia đình mình - Được hành nghề thích hợp - Là phước đức lớn nhất” (bản dịch của Sư Ông Thích Nhất Hạnh).

‘Được cung phụng’, ở đây, mình hiểu chính là được chăm sóc, yêu thương, hiếu kính với mẹ với cha.

Chúng ta cũng hiểu rằng, lòng hiếu kính không phải chỉ một ngày này mới nhớ làm, tâm phụng dưỡng cũng không phải chỉ một mùa Vu Lan mà thực hiện.

Sự phụng dưỡng này, đầu tiên và nhất thiết, cần phải được thực hiện trên phương diện vật chất. Người làm cha mẹ ngày xưa còn đủ sức lao động, cực khổ chăm lo nuôi đàn con ăn học, thì giờ đây khi con cái lớn khôn, họ cần phải nghĩ đến việc làm sao chăm cho tuổi già của cha của mẹ mình được đầy đủ, có cơm nước ấm êm, có nhà cửa dễ chịu, có thuốc uống khi đau bệnh, có người chăm sóc lúc tuổi cao sức yếu… Và hễ nói tới vế một thì hẳn phải nối nốt qua vế hai, là sự phụng dưỡng này không nên chỉ dừng lại ở phần vật chất. Cha mẹ cần món ăn của mình mua mình lo thì một, mà thương mà thèm giọng nói hơi ấm của mình gấp hai ba lần… Cha mẹ cần thuốc mình bỏ tiền mua một, thì cần câu hỏi han ủi an của mình gấp hai ba lần… Mà khổ cái, cái sự già đi nó cũng đến từ từ, cha mẹ cũng già đi từ từ, yếu đi từ từ, trở nên ‘lẩm cẩm’ đi từ từ, và cái sự ‘từ từ’ này, không phải người con trưởng thành nào cũng phát hiện ra, cứ luôn đối xử với cha mẹ như mỗi ngày thời cha mẹ còn trẻ còn khỏe hơn, thế là mới có những nỗi đau mà, chỉ khi mọi cái đã trở nên quá muộn, thì đã không thể kéo ngược lại dòng sông đã trôi đi nữa…

Hồi xưa, hồi còn làm chương trình Thay lời muốn nói trên truyền hình, cứ vào những lần mở ra những chủ đề về Mẹ về Cha, là một lần tụi mình lại xót ruột với biết bao nhiêu lá thư, dòng chia sẻ, rằng thương Cha lắm, thương Mẹ nhiều, mà không dám mở lời. Cái câu “Con thương Mẹ lắm!” “Con thương Ba lắm”, với không ít người Việt mình, lại là một câu khó nói ra bằng lời như vậy… Chỉ có khi Cha Mẹ già yếu, nằm một chỗ, hoặc thậm chí mất đi rồi, lúc đó mới thấm thía, mới thèm nói một câu, thì cũng đã muộn rồi.

Những năm gần đây chuyển hướng sang những chuyến đi hoặc những lớp học về quản trị cuộc sống, tụi mình mới được dịp nhìn sâu hơn vào các mối quan hệ, chạm được sâu hơn vào góc khuất của những nếp nhà mà, nếu không có những thời chia sẻ sâu dạng “không moi ra cho kỳ hết thì không thể lành”, tụi mình sẽ không thể ngờ có những nỗi đau dằn vặt đến như vậy, giữa những con người tương quan trong mối quan hệ ruột rà máu mủ cật ruột nhất, là cha mẹ và con cái.

Có không ít những học viên trong các lớp Nhân số học của tụi mình đến lớp trong vẻ mặt bên ngoài ‘rất ổn’, vậy mà khi chia sẻ, thì lại vượt qua nỗi đấu tranh nội tâm, để thú nhận: “Mình h.ậ.n mẹ mình”. “Mình c.ă.m th.ù mẹ”. “Mình g.h.ét ba”. “Mình đã từng chịu đựng nhiều nỗi khổ sở từ sự tr.a t.ấ.n cả thể chất lẫn tinh thần từ ba mình…”

Những mô tả chi tiết thì nhiều đến không kể xuể. Đó có thể là một nỗi ám ảnh từ thời trẻ nhỏ, nhỏ đến độ người mẹ không thể tưởng tượng nổi, vì sao đứa con nít mới hơn một tuổi đã hằn sâu nỗi đau khi nghe người mẹ vô ý nói chuyện điện thoại với một người bạn, rằng đứa con gái này là một gánh nặng của bà, vì em là đứa con gái thứ hai ra đời, trong khi gia đình danh gia vọng tộc đang rất khát khao một đứa cháu trai ‘nối dõi tông đường’. Để rồi em sống lẳng lặng mười mấy năm không thể gần mẹ, để rồi đâu sắp tới sinh nhật 15 tuổi của em, em đã bung hết nỗi đau trong lòng và hét thẳng vào mặt mẹ là “Con th.ù mẹ! Mẹ để con ra đời làm chi mà như thừa thãi thế này?”

Cũng trong hoàn cảnh của sự ‘trọng nam khinh nữ’ theo quan niệm của những gia đình khá giả hoặc quyền quý ngày xưa, ‘nhất nam viết hữu thập nữ viết vô’, đó có thể là năm chị em gái bị mẹ xếp vào hàng thứ kém, phải ăn cơm riêng, trong khi chỉ cậu em trai út được mẹ tưng tiu chiều chuộng. Mà chiều chuộng lắm thì sinh hư, đến khi mẹ tuổi cao sức yếu, cậu con trai quý tử duy nhất trong nhà lại kiếm cớ từ chối trách nhiệm chăm sóc mẹ, để cho mấy đứa con gái ngày xưa bị mẹ coi rẻ giờ đây ngó tới ngó lui, không biết ai sẽ chăm mẹ bây giờ…

Đó có thể là một đứa con bị sinh ra trong một thời điểm gia đình làm ăn sa sút, rồi bao nhiêu nguyên nhân gây ra sự sa sút với gia đình đều được dội hết lên đầu đứa bé tội nghiệp, khiến con trở thành một cái ‘gai chướng mắt’ trong nhà. Mà hễ trong nhà đã không ưa, đã đối xử kỳ cục, thì ‘cái gai’ ấy cũng không vừa, sẽ ‘xù lông’ lên để bảo vệ chính mình, để cho mọi người càng có thêm lý do để nói nữa, rằng “Đó, thấy chưa…!”

Đó có thể là một đứa nhỏ là con của một người không gặp thời, lẽ ra có thể thi vào một trường đại học danh giá hơn, đường tương lai rạng rỡ hơn, nhưng vì gặp chướng nạn chung của dòng đời mà phải bị đẩy đưa làm tài xế xe đường dài. Bất đắc chí, ông trút nỗi hận thù đời vào vợ, vào con, khiến cho em nhiều hôm đi học với những vệt roi bầm tím trên người, hay những cú bầm mắt, gẫy răng…

Đó có thể là một dạng ‘cừu đen’ trong một bầy con trong gia đình, ai cũng được thương, thấy bình thường, chỉ có em là “không hiểu sao ba má em không thương em được”...

Đó có thể là một cảnh đời mà sinh ra, mẹ và ba đã chia tay nhau, ba và mẹ mỗi người vui duyên mới, lập ra gia đình riêng, chỉ còn mỗi em hay mấy chị em em dắt díu nhau, nương nhờ hết nhà cậu này đến dì kia, cô này đến chú nọ…

Nhiều lắm, những mẩu chuyện đời về những nỗi chướng duyên cha mẹ - con cái, để khiến cho tụi mình triệt để mở mang nhân sinh quan, rằng trên đời này, không nhất thiết đã làm cha mẹ thì sẽ đương nhiên yêu thương và chăm sóc, lo lắng cho con cái của mình, như tụi mình mấy chục năm qua đã sống và luôn tin như vậy.
Mà khi đã hiểu được như vậy rồi, tự nhiên thấy thương hơn là thấy trách, những con người đã đang không hưởng được một trong những cụm đầu tiên trong bản Kinh Phước Đức ấy của Đức Phật dạy. Nghĩa là, họ đã chưa thể yêu thương gia đình lớn mà từ đó họ được sinh ra và lớn lên, cũng chưa thể yêu thương nổi các bậc sinh thành đã từng sinh họ ra những không cho họ được tình yêu thương hay chăm dưỡng, để giờ đây, đến phiên họ trở thành người trưởng thành, họ thấy mình khó thể “cung phụng mẹ cha” và “yêu thương gia đình lớn”, để họ được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao của nhân hạnh làm người.

Tuy vậy, cũng nhờ những năm sau này được học và mỗi ngày được thực hành tu tập bằng các giáo pháp của Phật, chúng mình cũng đã kịp hiểu thêm ra, rằng người với người đến với nhau trong cuộc đời này không bao giờ là do ngẫu nhiên. Huống hồ gì những mối quan hệ vô cùng thiêng liêng, thân gần, máu mủ ruột thịt. Nhà Phật cho rằng, theo sự vận hành của quy luật Nhân - Quả, giữa cha mẹ và con cái có bốn loại nhân duyên để quyết định sự gắn kết này:

_ Một là đến để báo ơn nhau.
_ Hai là đến để đòi nợ nhau.
_ Ba là đến để trả nợ nhau.
_ Bốn là đến để báo oán nhau.

Vậy cũng đủ thấy, chỉ nội trong bốn loại nhân duyên, chỉ có một nhóm đầu là nghe tích cực. Còn lại ba nhóm sau, thật sự cho dù vận hành có vẻ đa dạng thế nào, thực chất vẫn là mối quan hệ đòi nợ/trả nợ, hoặc thậm chí, nghe còn đáng buồn hơn, là báo oán.

Bốn loại nhân duyên này thật ra không xa lạ gì, nhưng trước giờ thường được nhắc đến mỗi khi gia đình nào có những đứa con hư hỏng, lêu lổng hay phá của, hỗn nghịch…, làm cha mẹ rầu lòng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng hiếm ai có đủ can đảm mở rộng hay bàn sâu, rằng có những bậc cha mẹ cũng thật là trần ai, đã đem đến cho những người con thật nhiều cay đắng hay tổn thương, hay tủi thân… trong quá khứ hay cả đến trong hiện tại. Bởi lẽ, vẫn luôn đâu đó một lời khẳng định: con cái mở miệng nói không tốt về ba hay mẹ luôn bị coi là ‘đồ bất hiếu’...

Vì thế, đành chịu ngậm đắng nuốt cay. Mà khổ nỗi, cục cay đắng nuốt mãi trong lòng đâu chịu tan, nhất là những ngày mẹ già cha xế bóng, tuổi cao sức yếu lại phải nhờ cậy sự chăm sóc của con cái, thì đâu đó trong những hiếu lễ theo tinh thần trách nhiệm của người con Á Đông, vẫn trỗi dậy những oán giận âm thầm của những ngày đau khổ xưa ấy… Đó là nói chuyện ở những người còn biết ‘lấy lý trí đặt lên trên con tim’, chăm sóc theo lễ mà không thương lại nổi, chứ còn đâu đó trong xã hội mênh mông hoàn cảnh này, còn biết bao nhiêu trường hợp, cha mẹ già yếu đau ốm bệnh tật, cô đơn lủi thủi không người chăm sóc, vì “Hồi đó ổng/bả có nuôi tui, có thương tui ngày nào đâu mà tui chăm sóc lại!”

Cũng thật biết ơn những khóa học, những chuyến đi, cho chúng mình có dịp được lắng nghe sâu trong sự tôn trọng tuyệt đối mà không phán xét. Để rồi, ở trong những tình huống đó, chúng mình mới cố gắng dùng lời lẽ nhẹ nhàng để an ủi cho những tổn thương không cố gắng giấu giếm, và sau đó, mới mời các anh chị em thử quay về bên trong mà quán nhân duyên. Khi chúng ta thôi để cho mình chìm đắm trong tâm lý nạn nhân, để bản thân bị kéo lê trong sự ức giận hay buồn tủi, mà tách bản thân chúng ta ra ngoài, làm một người quan sát tỉnh táo ‘cái tôi’ của mình đang bị lôi kéo trong sự vận hành của quy luật nhân quả, ta sẽ thấy ta… tỉnh ra nhiều lắm.

Ta sẽ hiểu rằng, không phải tự nhiên mà ‘họ’ được sinh ra, ở ngay trên đầu ta, làm cha làm mẹ ta, mà lại không mang được cho ta tình thương yêu chăm dưỡng như trong sách trong thơ, trong bài ca miêu tả, mà chỉ toàn là cay đắng và đau khổ. Từ quả truy ngược lại tìm cái nhân đã gieo, ta đời này mặc dù vẫn chỉ là người phàm, vẫn có thể đoán lờ mờ rằng, hẳn một đời kiếp trước nào đó, ta từng đã làm cho họ đau khổ như vậy, cay đắng như vậy, giống y như cái cách mà họ đang làm với ta, thực chất là đang báo oán lại ta ở đời này. Mà thậm chí, trong cái đời trước nào đó, lúc đó ta đang ở ‘kèo trên’, nhiều khi ta cũng từng là cha/mẹ họ, hoặc là người lớn, bề trên gì đó của họ, và cách ta cư xử tệ bạc với họ hẳn cũng đã từng gây ra biết bao nhiêu tủi nhục cay đắng nơi họ, giống như ta đang cảm thấy bây giờ. Vì thế, tự nhiên sâu thẳm trong ta sinh ra một cảm giác tội nghiệp và thương cảm sâu sắc, cho ‘họ’ ở đời kiếp nào đó. Và thế là, môi ta cũng dễ dàng bật lên được câu “Con xin lỗi”, cái câu mà nếu không có quán nhân quả, không truy ngược nguyên nhân, ta khó mà nói ra được, mà sẽ tiếp tục chìm đắm trong đau khổ, dằn vặt.

Và cũng từ sự hiểu và thương được người từng và đang làm cho ta đau khổ là các bậc sinh thành này, ta sẽ thấy mình sẵn sàng bắt tay vào một công cuộc mang ý nghĩa lớn lao đối với chính mình: làm tất cả những gì có thể được để xóa tan mối hận thù ‘oan oan tương báo’ của phần đời lần này giữa ta và cha/mẹ ta, để quyết tâm ngay trong đời này kiếp này, oan gia báo oán lẫn nhau sẽ được chuyển hóa, trở thành người thương nhau thật sự. Và đó chính là BÀI THI CHÍNH, CÚ LẬT MÌNH VĨ ĐẠI CỦA TA Ở ĐỜI NÀY KIẾP NÀY: CHUYỂN HÓA VÀ VƯỢT THÀNH CÔNG BÀI THI VỚI CHA/MẸ CHƯỚNG DUYÊN CỦA TA (nếu có).

Và các bạn có biết sự mầu nhiệm của ‘bài thi’ này nằm ở đâu không? Một kết thúc có hậu gần như đảm bảo đến 95% cho mọi trường hợp ‘thí sinh’ là phía con cái, là chúng ta, nha!

Vì, các bạn biết sao không? Đức Phật đã khẳng định trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn Phật tính, có lòng từ, có sẵn những đức tính vô cùng tốt đẹp ở trong lòng, chỉ là do vô minh (không biết, không thấy) ngăn che, nên không nhìn ra được phần đẹp đẽ ấy. Và cũng do vô minh, nên họ hầu như chỉ toàn được dẫn dắt bởi nghiệp thức. Nghĩa là, những sự tệ bạc, ruồng rẫy, hoặc tổn thương mà họ đã vô tình/cố ý tạo ra nơi ta của ngày xưa đó, đại đa số là không phải do bản thân họ quyết định, mà chính là do dòng nghiệp thức theo quy luật nhân quả dẫn dắt. Một lúc nào đó bạn bình tĩnh ngồi lại, thử nhớ xem, không dưới vài lần bạn nhìn thấy một con người mà bạn tự nhiên… ưa không nổi, mà cũng không có một lý do rõ ràng tại sao. Thì đây cũng vậy. Có điều, cái người ‘ưa không nổi’ đó vô tình rơi vào làm con cái của họ, thì họ cũng không thể nào đối xử cho đàng hoàng yêu thương cho được, mặc dù họ không hề muốn như vậy! Mình đã từng nghe một em học viên kể rằng, ba em hồi đó, mỗi lần nổi cơn thịnh nộ sẽ rút dây lưng da ra mà quất lưng, vai, cổ, mặt… em rướm máu. Đánh xong rồi, tỉnh ra quá hối hận, chỉ biết ôm con vào lòng rồi lấy dầu xoa cho nó…, nhưng cũng không thể kiểm soát được, lần sau lại rút dây đánh tiếp!

Như đã nói, chúng ta ở đời này, con mắt, tầm nhìn và sự hiểu biết rất bé hẹp, khó thể nhìn sâu sâu sâu hơn về trùng trùng đời quá khứ, để có thể nhìn thấy rõ ràng những ân oán trùng trùng mà giữa ta và cha mẹ ta ở đời này có thể gieo cho nhau ở những đời trước ấy như thế nào. Vì thế, học Phật là để hiểu bằng tuệ giác, để cắm rễ cho thật sâu lời Phật dạy vào lòng: Oán thù không thể nào được cắt đứt bởi oán thù. Chỉ tình thương mới cắt đứt được oán thù mà thôi. Mối oan oan tương báo ấy giữa ta và cha/mẹ ta nếu có, nếu phía cha/mẹ ta chưa nhìn ra và chưa hóa giải được, thì chính là phía ta, phiên ta, đủ dũng cảm làm cho được, và làm cho trọn vẹn điều đó.

Bởi vì, trong Tứ Trọng Ân - bốn ơn nghĩa to lớn nhất của phận làm người, Ơn Cha Mẹ đứng hàng thứ nhất! Và cũng chính vì vậy, nếu bạn báo được ơn nghĩa cha mẹ trong điều kiện bình thường, nghĩa là cha mẹ ta thương ta thì đến phiên ta lớn lên, ta thương yêu, chăm dưỡng, báo hiếu lại cha mẹ là lẽ đương nhiên, cũng đã mang đến bao nhiêu là phước báu rồi. Huống hồ, những người con biết yêu thương, hiếu kính, chăm dưỡng cha mẹ với hết lòng thành ngay cả trong nghịch cảnh, chướng duyên, phước báu ấy sẽ càng dày thêm vô lượng. Nói một cách nôm na, khi bạn ‘lội ngược dòng nghịch cảnh’ mà thương yêu, hiếu kính được cha mẹ mình, thì ‘điểm phước’ bạn tích sẽ được nhân lên gấp chục lần, trăm lần so với ‘điểm phước’ bạn tích trong điều kiện hiếu kính bình thường. Bởi đề thi khó thì điểm thưởng cũng sẽ nhiều hơn là lẽ đương nhiên. Bạn đừng tưởng không ai biết không ai thấy. Vũ trụ luôn có một ‘chiếc máy quan sát’ cực kỳ vi tế, luôn để ý đến mọi hành vi, lời nói, ý nghĩ của chúng ta. Nên bạn cứ cố gắng đi, bạn sẽ thấy một ngày, đúng thời điểm, những gì bạn hết lòng nỗ lực, chúng sẽ được tưởng thưởng một cách xứng đáng.

Và cũng tương tự như vậy, nhìn theo chiều ngược lại, tội bất hiếu với cha mẹ cũng được xếp vào những tội nặng nề nhất, bị ‘trừ điểm phước’ mạnh nhất. Cán cân phước tội của Vũ trụ vi tế hơn chúng ta tưởng nhiều. Và trong cái cán cân đo phước - tội ấy, bất kỳ ai đủ duyên vào làm cha, làm mẹ sinh học của chúng ta, nghĩa là người đã dùng một phần thân thể họ mà tạo ra tấm thân đời này của ta, thì đương nhiên là chúng ta phải có nhiệm vụ hiếu kính, bất kể người đó họ tốt xấu thế nào, thương ta hay ghét ta. Cho nên, nói thật lòng, nếu bạn muốn phần sau của cuộc đời bạn sáng sủa, êm đẹp, một trong những điều đầu tiên mà bạn phải đặt ưu tiên lên hàng đầu để làm, chính là luôn biết nghĩ về cha mẹ, hiếu kính cha mẹ, thương yêu và chăm sóc cha mẹ, cả về vật chất lẫn tinh thần!

Bạn thử dạo một vòng nhìn xung quanh những người mà bạn biết đi. Bạn sẽ thấy, đại đa số những người biết thương yêu, hiếu kính cha mẹ đều là những người đang sống bình ổn, an hòa, hạnh phúc. Và cũng sẽ như một lẽ đương nhiên, con cái của họ sẽ nhìn vào tấm gương sống là họ, mà sau này trưởng thành rồi đương nhiên biết hiếu kính lại cha mẹ chúng, như một cách được ‘thân giáo’ đầy ý nghĩa. Vậy thì, bạn ngẫm tới rồi ngẫm lui đi, thấy chỉ một việc thương yêu và hiếu kính cha mẹ, cho dù chúng ta không bao giờ đặt chúng vào vòng tính toán thiệt hơn, nhưng bản thân chúng cũng đã đang tạo ra vô cùng nhiều những phước báu lợi lạc rồi.
Bây giờ vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ, phần lý trí chúng ta đã hiểu thấu tất cả những điều đó rồi, nhưng con tim còn mang đầy tổn thương chưa thể lành của ta vẫn chưa thể nào buông xuống được, thì phải làm thế nào, để có thể thương, có thể chăm và lo cho cho cha mẹ đã làm ta đau khổ đây?

Ở các lớp học, các chuyến đi của nhà MayQ, tụi mình có một số loại ‘thuốc’ cực kỳ vi diệu. Hai trong số đó chính là Lương Hoàng Sám và phép thiền Ho’Oponopono. Quan trọng nhất là bạn phải xác định, khi bạn chịu khổ vì cha mẹ bạn, bạn chính là một dạng ‘con nợ’ đã đến thời phải bị đòi, nên hết lòng sám hối, xin lỗi (âm thầm) với họ, bằng cách đọc các bản sám văn Lương Hoàng Sám và hồi hướng đến họ. Rất nhiều học viên và các thành viên đi các chuyến An, chuyến Đại cộng hưởng… với nhà MayQ, sau khi được rủ rỉ rù rì thuyết phục khuyên nhủ, đã cất công đọc từ 3 cuốn đến 7 cuốn Lương Hoàng Sám (nghĩa là đọc một lần trọn bộ 10 quyển trong cuốn Lương Hoàng Sám, đọc hết rồi đọc lại…) thì cảm nhận được sự diệu kỳ xoay chuyển trong các mối quan hệ. Hay nhất là cả những bạn từng… nắm cổ áo mẹ ruột của mình mà nghiến răng nghiến lợi nói: “Xin lỗi, bà mà không phải là mẹ ruột của tôi là bà xong từ lâu rồi!”, sau khi thành tâm đọc mấy lượt quyển Lương Hoàng Sám, đã cảm thấy dấy lên trong lòng mình một tình thương da diết dành cho mẹ, và đã có những kết nối đáng quý giữa hai mẹ con với nhau. Tụi mình nói, những trường hợp như vậy, nghĩa là bạn ấy đã bước đầu giải oán thành công. Thật mừng cho bạn!

Có những bạn khác thì tìm thấy sự xoay chuyển trong phép thiền Ho’Oponopono. Phép này tính ra thật đơn giản, cũng không liên quan đến một tôn giáo cụ thể nào. Đó là, bạn hãy soạn ra một bức ảnh của cha/mẹ bạn, người bạn đang rất cần xóa tan mối hiềm kết ấy, và mỗi ngày một vài lần, hãy ngắm nhìn bức ảnh ấy mà đọc bốn câu ‘thần chú’ “Con xin lỗi. Hãy tha thứ cho con. Cám ơn ba/mẹ. Con thương ba/mẹ.” Có bạn từng chịu cảnh đau đớn vì ngay ngày thi tốt nghiệp phổ thông lại nghe tin mẹ mình tự sát không thành, bạn giận mẹ đến lệch lạc cả đoạn đường trưởng thành về sau. Vậy mà sau một thời gian phải cố gắng lắm, dùng kỹ thuật để cố gắng nhìn vào ảnh mẹ mà nói lời yêu thương xin lỗi, thì thật diệu kỳ, sau hơn một tuần thực hành, tình thương mẹ đã quay trở lại trong bạn.

Sự nhiệm màu của những ‘phần sau có hậu’ cũng đang hiển hiện ngay trong chính câu chuyện đời của bản thân team chúng mình. Một em thành viên trong ekip từng nhiều năm hận thù người cha sâu sắc do lối sống bê tha, vô trách nhiệm và đánh mắng vợ con của người cha ấy. Khi đã bén duyên với Phật pháp, em ngộ ra những điều như mình đã nói ở trên. Nhìn biểu đồ ngày sinh của người cha qua Nhân số học, em hiểu vì sao đời cha ra nông nỗi… Rồi từ chịu Hiểu bắc cầu qua chủ động nhen nhóm nuôi tình thương, em đọc Ho’Oponopono cho ba, rồi đọc kinh sám hối hồi hướng về ba… Thì thật nhiệm màu, cũng sau ba năm, ba em và em đã có thể ngồi lại với nhau, nói được với nhau những lời thân gần và thấu hiểu. Nhiệm màu hơn một bước nữa, là dường như khi ‘cái đề thi khó’ là làm khó em đã được gỡ xong, ba em cũng ‘thoát xác’, không còn là gã đàn ông bê tha vô trách nhiệm ngày nào. Ông trở nên biết quan tâm đến vợ con nhiều hơn, biết đỡ đần công việc nhà với vợ, cùng vợ chăm sóc các cháu…, những điều mà trước đây, gia đình không bao giờ tưởng tượng có ngày thấy được điều đó nơi ông! Mình mừng vui cho gia đình em ấy, đã đành, mà từ tận trong lòng, mình còn thật thấy, sở dĩ được như vậy là do tính chất “Biết hiếu kính cha mẹ là phước đức lớn nhất”. Em đã làm được điều lội ngược dòng thành công, yêu thương và hiếu kính được người cha từng đối xử tệ bạc với mẹ con em, nên điểm phước em tạo được qua việc này quá lớn. Nó xoay chuyển được cả phần ‘kế hoạch A’ của Vũ trụ, khiến cho ba em ‘hiện nguyên hình’ là một con người dễ thương, đúng như bản chất thiện lương vốn sẵn có mà Đức Phật đã khẳng định. Thương cái gì đâu mà!

Còn bản thân mình cũng có một chút ngẫm nghiệm nhỏ. Hôm bữa trước đăng lại bài Quanh chữ Duyên, mình có kể chút xíu về hành trình ‘đến với Duyên’ của mình, trong đó cái duyên duy nhất của mình đã dẫn thẳng tới hôn nhân luôn, là anh người yêu vốn là người anh lớn, là người thầy hơn mình nhiều tuổi, trước đó cũng có nhiều ‘hoạt động’ khiến mẹ mình không chấp nhận. Hai đứa tới với nhau vô cùng khó khăn, tới mức nhiều người thấy tụi mình khổ quá vì sự ngăn cấm của mẹ mình, đã ‘xúi’: Hay là mình cứ bỏ đi theo anh đại đi, sống chung với nhau không cần cha mẹ thừa nhận, đến khi có con rồi, ẵm em bé về, mẹ nhìn thấy thương quá sẽ chấp nhận ngay chứ gì. Mình không dám làm theo lời ‘xúi giục’ ấy, bởi mình không dám làm mẹ buồn. Vì thế, hai đứa chỉ âm thầm nỗ lực xoay chuyển mẹ dần dần… Lại được dẫn dắt tìm đến Phật Bà Quan Âm ở Tịnh xá Trung Tâm mà cầu nguyện, vậy mà điều diệu kỳ lại đến: mẹ mình rốt cục cũng đã chuyển ý, đồng ý cho hai đứa mình chính thức được đến với nhau!

Cuộc hôn nhân sau đó mấy chục năm cũng không ít lần gặp thử thách, thậm chí có lúc tưởng ‘đứt gánh’. Vậy mà như một sự màu nhiệm nào đó, tụi mình lại cùng nhau vượt qua được, để rồi sau đó, lại thương nhau nhiều hơn, lại biết ơn vô cùng cái phước báu nào, sự may mắn nào đã ‘vớt’ chúng mình đi qua được giai đoạn khó khăn tột cùng ấy. Thì sau này mình ngẫm lại, thấy có thể hồi đó do đứng trước bài khảo: bỏ nhà đi theo tiếng gọi tình yêu (mà như vậy xét theo một khía cạnh nào đó, là bất hiếu với mẹ), mình đã không chọn con đường ấy, mà chọn kiên định xoay chuyển dần tình hình. Bằng cách ấy, có thể mình cũng đã không ý thức được, nhưng ‘điểm phước’ mình ghi được qua sự việc ấy đã được cộng thêm một số, khiến cho về sau này, có khi cuộc sống hôn nhân của chúng mình gặp chướng ngại, thì chính cái ‘điểm phước’ ghi được từ sự hiếu kính cha mẹ lần ấy đã giúp chúng mình vượt qua được, và bình yên chăng…

Cho dẫu nó có thể đúng, hay chỉ đúng một phần, thì mình vẫn vô cùng biết ơn rằng sau mỗi ngày qua đi, mình lại ngộ ra được thêm những bài học đáng giá của đời sống. Và một trong những bài học mình cảm nhận sâu sắc nhất, là “Hiếu kính với mẹ cha - Là phước đức lớn nhất”. Lời Đức Phật dạy hoàn toàn không sai lệch một chút nào. Và hãy nên nhớ, Đức Phật không tự tạo ra giá trị này. Phước đức lớn nhất từ sự biết hiếu kính hai đấng sinh thành ra mình vốn là sự thật hiển nhiên, là một dạng quy luật của Vũ trụ, mà Đức Phật, với cái nhìn của một đấng toàn giác, đã nhìn thấy rõ, mà dạy lại cho chúng ta được rõ. Vì thế, trong những ngày này, mình thật tha thiết muốn chia sẻ những điều mình ngẫm ngợi được, cho các bạn hữu duyên tham khảo.

Gửi niệm lành cho tất cả chúng ta, những ai cho dù có cha mẹ ở bất kỳ hoàn cảnh hay cảm xúc nào, cũng sẽ biết cách điều chỉnh thân tâm ta, để ta lại có thể yêu thương và hiếu kính cha mẹ chúng ta, một cách đong đầy nhất.

Thương lắm,

(29.8.2023, 14/7AL Quý Mão - QH & MayQ Team)

#HiếukínhvớiChaMẹ
#Làphướcđứclớnnhất

Tags : MC Quỳnh Hương, ngẫm và ngộ của quỳnh, sống
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

close nav